Trong 2 ngày 29-30/3, Trường cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội đã tổ chức tập huấn vệ sinh an toàn lao động cho giảng viên các Khoa Cơ khí, Khoa Điện - Điện tử.
Giảng viên tập huấn là cô Trần Thị Vân Thu - nguyên Trưởng phòng Huấn luyện và Thông tin an toàn, Cục An toàn lao động, Bộ LĐ vàTBXH (cũ), Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ ATVSLĐ Việt Nam.
Buổi tập huấn có sự tham gia của đông đảo giảng viên HACTECH
Mở đầu buổi tập huấn, cô Thu đã giới thiệu đến giảng viên HACTECH về các quy định của pháp luật về an toàn lao động cũng như một số nghĩa vụ của các doanh nghiệp trong công tác an toàn vệ sinh lao động. Cô Thu cho biết, các đơn vị sử dụng lao động phải chấp hành nội quy, tuân thủ giao kết trong hợp đồng lao động. Sử dụng bảo quản các phương tiện bảo vệ đã được trang bị cũng như các thiết bị đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc. Báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ, tai nạn lao động, chủ động tham mưu cấp cứu, khắc phục sự cố, tai nạn lao động, theo phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp hoặc khi có lệnh của người sử dụng lao động hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Cô Thu là một chuyên gia trong lĩnh vực an toàn lao động
Trong sơ cứu người tai nạn lao động, cô Thu đặc biệt nhấn sơ cứu tai nạn do điện giật. 5 phút đầu tiên có vai trò quyết định nhất. Theo thống kê trong 1 phút nếu nạn được tách ra khỏi nguồn điện được cấp cứu kịp thời thì tỷ lệ được cứu sống là 98%, còn nếu để đến 6 phút tỷ lệ được cứu sống chỉ là 10%.
Giảng viên HACTECH chăm chú lắng nghe tập huấn
Ngoài ra, trong cấp cứu người bị điện giật có 5 sai lầm tai hại đó là không xem xét nguồn điện đã ngắt hay chưa, đó là sai lầm lớn nhất và nguy hiểm nhất. Vội vàng đưa nạn nhân đưa đi cấp cứu nạn nhân có thể chết trên đường đi cấp cứu. Đổ nước muối vào người tưới nước hoặc chôn nạn nhân dưới đất, điều này không hiệu quả vì bỏ lỡ mất 3 phút đầu ép tim thổi ngạt quan trọng, đồng thời làm hạ thân nhiệt gây nguy hiểm cho tính mạng nạn nhân.
Cô Thu đã đưa ra những tình huống an toàn vệ sinh lao động cụ thể
Đặc biệt, cô Thu nhấn mạnh rằng, để nạn nhân nằm nguyên tư thế khi có dấu hiệu tỉnh lại là một sai lầm. Cần phải chuyển nạn nhân sang tư thế hồi phục (nằm nghiêng sang bên phải) giúp nạn nhân dễ thở, không gây chèn ép tim phổi hay hít phải dịch nôn. Ngoài ra hô hấp nhân tạo sai kỹ thuật cũng rất nguy hiểm, đặt tay sai vị trí ép không đủ sâu và tốc độ không đạt chuẩn ( 5cm đối với người lớn, 100 nhịp/phút).
Những ví dụ cụ thể đã cung cấp cho giảng viên HACTECH kỹ năng về an toàn vệ sinh lao động
Cô Thu cũng chia sẻ với giảng viên HACTECH về an toàn trong làm việc không gian hạn chế và những tình huống cụ thể trong xử lý tai nạn lao động. Qua lớp tập huấn, giảng viên HACTECH đã được trang bị kiến thức về an toan vệ sinh lao động, từ đó có những kỹ năng để phòng tránh tai nạn lao động và xử lý kịp thời trong trường hợp xảy ra tai nạn, đảm bảo các quy định an toàn của cơ quan quản lý Nhà nước.
Những kỹ năng học hỏi được sẽ được giảng viên HACTECH áp dụng trong giảng dạy thực hành cho sinh viên để đảm bảo an toàn vệ sinh lao động