Trong những năm gần đây, xu hướng Nhà trường và doanh nghiệp cùng bắt tay vào đào tạo sinh viên đang nở rộ, sinh viên ra trường đáp ứng ngay được yêu cầu công việc. Tuy nhiên, mô hình này chỉ đang phổ biến với các doanh nghiệp trong nước còn đối với các doanh nghiệp nước ngoài còn hạn chế.
Đoàn công tác HACTECH làm việc tại doanh nghiệp Molex
Cần tạo ra sự tin tưởng lẫn nhau
Là trường đào tạo nghề hàng đầu miền Bắc, Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội (HACTECH) trực thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội từ nhiều năm nay đã mở rộng quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp uy tín có vốn đầu tư nước ngoài như LG Display, Honda Việt Nam, Samsung Display, Molex, Hanwha...
Honda Việt Nam trao tặng ô tô CRV cho HACTECH phục vụ nhu cầu đào tạo
Hằng năm, HACTECH cung cấp một lượng lớn nhân sự cho các doanh nghiệp nêu trên, hầu hết sinh viên đều trải qua chương trình Thực tập sinh tại doanh nghiệp, được doanh nghiệp đào tạo và làm quen với dây chuyền công nghệ tiên tiến, hiện đại. Tuy nhiên, sinh viên trong thời gian thực tập kỳ cuối cùng tại Nhà trường vẫn phải quay về trường thực hiện đồ án tốt nghiệp và bỏ lỡ cơ hội làm việc tại doanh nghiệp.
Sinh viên HACTECH thực tập nhận thức tại LG Display tháng 7/2023
Đứng trước thực tiễn trên, Nhà trường mong muốn doanh nghiệp phối hợp sâu hơn trong công tác đánh giá tốt nghiệp sinh viên. Cụ thể, doanh nghiệp và Nhà trường cùng mở hội đồng đánh giá tốt nghiệp tại doanh nghiệp, sinh viên thực hành ngay trên những dây chuyền công nghệ đang được vận hành tại doanh nghiệp. Từ góc độ đào tạo, giảng viên hướng dẫn sẽ có cơ sở đếm chấm điểm, đánh giá tốt nghiệp và từ góc độ thực hành, phía doanh nghiệp sẽ đóng vai trò đánh giá sinh viên dựa trên chính hiệu quả công việc.
Theo ông Nguyễn Ngọc Long, trưởng ban Hợp tác doanh nghiệp và Tư vấn việc làm sinh viên, HACTECH cho biết: Hiện nay vì lý do bảo mật công nghệ, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn “ngại” hợp tác với Nhà trường trong đào tạo và đánh giá sinh viên. Họ có thể đào tạo sinh viên trong vài tháng bằng thiết bị, máy móc chuyên biệt, tuy nhiên Nhà trường không thể dùng kết quả đó để công nhận tốt nghiệp mà sinh viên vẫn phải thực hiện đồ án bằng những kiến thức được học trong Nhà trường.
Điển hình, vào năm 2019, Nhà trường và DENSO Việt Nam đã cùng bắt tay đào tạo đội thi kỳ thi Tay nghề thế giới được tổ chức tại Liên bang Nga. Khi đó, sinh viên Trương Thế Diệu lớp Cắt gọt kim loại (nay là Công nghệ chế tạo máy) đã giành giải Bạc, đem vinh quang về cho đất nước. Đó là một trong những điểm sáng của việc kết hợp đào tạo sinh viên giữa Nhà trường và doanh nghiệp rất cần được nhân rộng.
Trương Thế Diệu, sinh viên K7 Cắt gọt kim loại giành Huy chương Bạc, Kỳ thi Tay nghề thế giới 2019
Ông Hoàng Thành Thái, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hà Nội cho biết: Yêu cầu đặt ra trong năm nay cũng như các năm tiếp theo là chú trọng đào tạo những gì doanh nghiệp cần, vì vậy sự phối hợp giữa các doanh nghiệp và trường nghề đòi hỏi càng ngày càng gắn chặt hơn. Chính sự hợp tác này cũng là niềm tin đối với học sinh, sinh viên, bởi sau khi được đào tạo, ra trường các em sẽ có công ăn việc làm tốt.
Để trả đơn đặt hàng đúng yêu cầu
Đối với những doanh nghiệp chưa triển khai các chương trình thực tập sinh hoặc đào tạo trong doanh nghiệp cho sinh viên thì họ rất kỳ vọng các trường đào tạo nghề đào tạo theo yêu cầu đặt hàng của họ. Sinh viên tốt nghiệp có thể đáp ứng được ngay các yêu cầu công việc tại doanh nghiệp, vận hành được công nghệ, thiết bị tiên tiến, tuy nhiên về phía Nhà trường, họ cũng mong muốn được doanh nghiệp trang bị đầu tư, chuyển giao công nghệ một phần để phục vụ nhu cầu đào tạo, trả đúng yêu cầu đặt hàng nhân sự của doanh nghiệp. Có những công nghệ được doanh nghiệp bảo mật khá cao, Nhà trường không thể trả được đơn đặt hàng nếu như yêu cầu của doanh nghiệp nếu không nhận được sự hỗ trợ từ chính doanh nghiệp.
Công ty cổ phần Nghiên cứu Kỹ thuật Cơ khí chính xác trao tặng Robot cho HACTECH phục vụ nhu cầu đào tạo
Theo thống kê, trung bình có trên 85% sinh viên tốt nghiệp tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp có việc làm, có trường đạt 100% sinh viên có việc làm, mức thu nhập cao. Đặc biệt, ở các trường có hợp tác đào tạo sâu với doanh nghiệp, sinh viên tốt nghiệp không mất thời gian làm quen với môi trường mới hay dây chuyền côn nghệ mới, doanh nghiệp không mất thêm thời gian đào tạo lại, còn về phía Nhà trường sẽ khẳng định được uy tín, tạo thêm sức hút tuyển sinh.
Theo bà Phạm Thị Hường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội (HNIVC) thì hầu hết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại các quốc gia phát triển đều có sự tham gia của doanh nghiệp bên cạnh trung tâm nghiên cứu. Trang thiết bị thực hành của Nhà trường khó lòng theo kịp ngay lập tức được so với sự phát triển của khoa học công nghệ nên việc hợp tác đào tạo với doanh nghiệp là rất cần thiết.
HNIVC và FUNA có buổi làm việc tại HACTECH vào tháng 8/2023
Được biết, mới đây HNIVC đã phối hợp với Tập đoàn FUNA (Trung Quốc) để đẩy mạnh hoạt động đào tạo. FUNA đã đưa 5 mô đun đào tạo hiện đại (bao gồm các module: Lắp đặt điện khí công nghiệp cơ bản, Robot công nghiệp, Kỹ thuật điều khiển PLC, Thị giác máy công nghiệp, tiếng Trung) về xưởng thực hành HNIVC để đào tạo sinh viên nghề Cơ điện tử và Tự động hóa.
Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết: Trong chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng đã nhấn mạnh: Phát triển giáo dục nghề nghiệp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phát triển nguồn nhân lực để tranh thủ thời cơ dân số vàng, hình thành nguồn nhân lực trực tiếp có chất lượng, hiệu quả và kỹ năng nghề cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong nhiều giải pháp đặt ra, thì việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động được xác định là một trong các giải pháp đặc biệt quan trọng.
Sinh viên nghề Công nghệ chế tạo máy thực hành trên máy CNC tại xưởng thực hành của HACTECH