Ngày 26/3 Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề “Thiết kế bài giảng trực tuyến” cho toàn thể giảng viên Trường.
Phát biểu khai mạc buổi sinh hoạt, PGS.TS Phạm Văn Bình – Trưởng ban Khoa học Công nghệ, Trường CĐN BKHN cho biết: nhằm mục đích nâng cao chất lượng bài giảng trực tuyến và hỗ trợ giảng viên phương pháp, chuẩn bị cho “Cuộc thi thiết kế bài giảng trực tuyến trường CĐN BKHN năm 2022”, Nhà trường mời hai chuyên gia đến trao đổi cùng với các giảng viên. PGS. bày tỏ mong muốn buổi tập huấn sẽ đem lại nhiều điều thú vị, gợi mở ý tưởng hay để các giảng viên của Trường tạo sự đột phá trong thiết kế bài giảng online, từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy và nâng cao chuẩn đầu ra cho sinh viên.
Hai chuyên gia được Nhà trường mời tham dự buổi tập huấn là TS. Nguyễn Trường Giang - Trưởng khoa Sư phạm Kỹ thuật, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Nam Định và ông Nguyễn Văn Vũ, giảng viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Sư phạm Nam Định.
Buổi tập huấn thu hút đông đảo giảng viên Nhà trường tham gia
Bắt đầu buổi tập huấn, TS. Nguyễn Trường Giang đã có phần trao đổi với các giảng viên những thuận lợi/ khó khăn trong giảng dạy online về quản lý thời gian, thiết kế bài giảng, cách kiểm tra đánh giá và cung cấp một số ứng dụng hỗ trợ bài giảng online.
TS. Nguyễn Trường Giang chia sẻ: so với học trực tiếp, khó khăn của việc học online là sinh viên dễ xao lãng và duy trì chú ý trong học tập. Để khắc phục, người giảng viên cần tạo hứng thú, động lực khuyến khích để sinh viên chủ động học tập thông qua nhiều phương pháp học khác nhau; nắm bắt tâm tư người học, không ngừng làm mới và sâu sắc bài giảng bằng kiến thức và kinh nghiệm cá nhân của mình thay vì chỉ trao truyền kiến thức hàn lâm đơn thuần.
TS. Nguyễn Trường Giang chia sẻ về thiết kế bài giảng online
Theo TS. Giang, để tạo động lực và duy trì sự chú ý, hứng thú học tập cho sinh viên, giảng viên nên chia nhỏ kiến thức, ngắt nhỏ bài tập để sinh viên có cảm giác chinh phục được từng phần; khuyến khích sinh viên đọc trước giáo trình; sử dụng các clip ngắn, bài kiểm tra ngắn online để giảm căng thẳng, tạo không khí vui vẻ cho lớp học...
Th.S Nguyễn Văn Vũ chia sẻ về các công cụ hỗ trợ thiết kế bài giảng
Cũng trong chương trình, Th.s Nguyễn Văn Vũ, giảng viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nam Định đã chia sẻ cùng các các giảng viên CĐN BKHN phương thức số ứng dụng một số phần mềm hỗ trợ giảng dạy trực tuyến như: Openshot Video Editor và iSpring, tích hợp trong phần mềm Power Point. Ông Vũ nhấn mạnh hiệu quả của các video, hình ảnh càng ngắn gọn, ấn tượng, mang tính trực quan giúp sinh viên dễ nhớ và dễ lưu trữ làm tài liệu học tập lâu dài.
Các giảng viên thực hành ngay trên máy các công cụ hỗ trợ
PGS.TS Bình cũng đánh giá rất cao tinh thần học tập và thực hành trực tiếp của giảng viên tham gia buổi sinh hoạt. Trưởng ban Khoa học Công nghệ hy vọng rằng, với những chia sẻ thực tế, hữu ích từ buổi sinh hoạt, các giảng viên sẽ có những ứng dụng sáng tạo trong bài giảng thực tế và áp dụng thành công trong Cuộc thi bài giảng trực tuyến trường CĐN BKHN năm 2022.
Tích cực tham gia buổi tập huấn, ThS. Lê Việt Phương, tốt nghiệp Chuyên ngành Khoa học - Tài chính, Đại học Massachusetts Lowel - giảng viên Khoa Kinh tế và Quản lý, chia sẻ: “Tôi thấy buổi tập huấn có ý nghĩa thiết thực, nhất là với các giảng viên trẻ như tôi. Qua việc thực hành, nhận đóng góp trực tiếp từ chuyên gia và thầy cô tham gia buổi sinh hoạt, tôi đã áp dụng các phần mềm được trao đổi trong buổi sinh hoạt và điều chỉnh bài giảng tinh gọn hơn, hấp dẫn hơn. Tôi hy vọng, Nhà trường sẽ thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề này, giúp các giảng viên trau dồi kiến thức, tăng cường trao đổi, học hỏi giữa các giảng viên.”
Nguyễn Công – Phạm Thủy