Năm 2018 được xem là năm đột phá về giáo dục nghề nghiệp. Dạy nghề chuyển sang hướng mới kết nối đào tạo với doanh nghiệp, đào tạo theo đơn đặt hàng và gắn với thị trường lao động… Cùng với những bước đột phá, những nguy cơ tiềm ẩn về tai nạn lao động trong hoạt động dạy nghề lại càng có xu hướng gia tăng. Vì vậy, ngoài việc giáo dục cho người học vững về kiến thức chuyên môn, giỏi về kỹ năng nghề cần phải đặc biệt quan tâm đến kỹ năng về an toàn vệ sinh lao động. ATVSLĐ đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Hàng năm Chính phủ có rất nhiều chương trình quốc gia về bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng.
Xác định được tầm quan trọng của ATVSLĐ đối với sinh viên trường nghề, nhà trường luôn nhấn mạnh việc an toàn lao động đối với người học trên mọi hoạt động: Công tác huấn luyện an toàn được cụ thể hóa trong nội quy chung của nhà trường, quy định nghiêm về việc sinh viên phải thực hiện đúng bảo hộ lao động khi ra vào xưởng thực hành, quy định an toàn khi tham gia thực tập hay lao động…
Bên cạnh đó, chương trình đào tạo của nhà trường cũng trang bị cho sinh viên kiến thức và kỹ năng về ATVSLĐ giúp sinh viên làm quen và có kỹ năng phòng tránh các tai nạn lao động một cách tổng quát và đặc thù theo từng loại hình nghề nghiệp.
Hoạt động đào tạo nghề gắn với ATVSLĐ là một trong những tiêu chí không thể thiếu trong việc đánh giá kỹ năng của người học sau tốt nghiệp, và bắt đầu bước chân vào doanh nghiệp làm việc. Người lao động nếu có kiến thức kỹ năng về an toàn lao động sẽ giúp nhà trường và doanh nghiệp phòng tránh được tại nạn lao động, giảm thiểu rủi ro hư hỏng trang thiết bị, rút ngắn thời gian sản xuất…các yếu tố này tác động trực tiếp đến chi phí tài chính cũng như tính mạng con người.
Để thực hiện được các tiêu chí về đào tạo nghề chất lượng cao, trường CĐN Bách Khoa HN chú trọng công tác huấn luyện an toàn cho các nghề có nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn cao và đưa vào hoạt động giảng dạy nhằm đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng theo nhu cầu của thị trường lao động.
Mỹ Hoa