Sáng ngày 27/10, Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội đã có buổi làm việc và ký kết thỏa thuận hợp tác với các đơn vị trong công tác đào tạo nghề.
Buổi làm việc diễn ra tại phòng 206, tòa nhà D Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội
Tham dự buổi làm việc, về phía cơ quan quản lý nhà nước có đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; về phía đối tác có ông Tô Húc Dũng – Bí thư Đảng ủy Trường Cao đẳng nghề và kỹ thuật Tế Nam, Trung Quốc; Bà Ôn Tuệ Linh – đại diện công ty Luxshare ICT; ông Tống Hồng Siêu – đại diện công ty Hải Chi Thần; ông Hồ Thành Mãn – Chủ tịch Viện nghiên cứu giáo dục nghề quốc tế Mặc Tử (Hồng Kông); ông Eric Moskwa – Giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ sản xuất thông minh Steinbeis, Đức; ông Nguyễn Thanh Tâm – chủ tịch Hội đồng quản trị công ty GTV; ông Trần Lê Duy – Tổng giám đốc công ty GTV. Về phía Nhà trường có TS. Nguyễn Khắc Kiểm – Hiệu trưởng; PGS.TS Đỗ Văn Trường – Phó Hiệu trường cùng lãnh đạo các Khoa/Phòng chức năng trong Nhà trường.
Hiệu trưởng TS. Nguyễn Khắc Kiểm phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, TS. Nguyễn Khắc Kiểm cho biết: Nhà trường rất chú trọng phát triển quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và cơ hội việc làm cho sinh viên. Những năm gần đây, một số doanh nghiệp đã tài trợ trang thiết bị thực hành cho Nhà trường, giúp sinh viên nắm bắt được các công nghệ tiên tiến nhất và có thể thích nghi ngay được môi trường làm việc sau khi tốt nghiệp. Tôi hy vọng, qua buổi làm việc hôm nay các bên sẽ nắm rõ thông tin về nhau, sớm phát triển quan hệ hợp tác và tạo ra lợi ích cho các bên, trong đó có nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
Tại buổi làm việc, đại diện các bên đã giới thiệu tổng quan về đơn vị và chia sẻ về công tác giảng dạy nghề, đào tạo, hợp tác. Đồng thời các bên chia sẻ về mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp và Nhà trường, đặc biệt nhấn mạnh vào mô hình đào tạo theo đơn đặt hàng.
Ông Tô Húc Dũng giới thiệu tổng quan về Trường Cao đẳng nghề và kỹ thuật Tế Nam
Ông Hồ Thành Mãn giới thiệu tổng quan và định hướng hợp tác của Viện Nghiên cứu giáo dục nghề nghiệp Mặc Tử (Hồng Kông), Trung Quốc
Ông Eric Moskwa giới thiệu về trung tâm Chuyển giao công nghệ sản xuất thông minh Steinbeis, Đức
Bà Ôn Tuệ Linh, đại diện Luxshare ICT cho biết doanh nghiệp rất coi trọng hợp tác với các cơ sở đào tạo
Ông Luis Oehme, giám đốc quan hệ đối ngoại quốc tế, trung tâm STW giới thiệu về thế mạnh của trung tâm
Ông Nguyễn Thanh Tâm, chủ tịch HĐQT GTV khẳng định vai trò tư vấn và kết nối các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam
Về phía HACTECH, Phó hiệu trưởng PGS.TS Đỗ Văn Trường cho biết, HACTECH có quan hệ hợp tác sâu rộng với nhiều doanh nghiệp lớn, có vốn đầu tư nước ngoài, hiện nay HACTECH bắt đầu áp dụng mô hình đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Theo mô hình này, chất lượng đào tạo sinh viên sẽ được nâng lên và đáp ứng ngay được yêu cầu công việc tại doanh nghiệp, tiết kiệm thời gian đào tạo cho Nhà trường, doanh nghiệp và thời gian thích nghi với công việc của sinh viên. Để phát triển mạnh hơn nữa mô hình trên, các doanh nghiệp đã và đang tài trợ thiết bị thực hành cho Nhà trường, trực tiếp đưa chuyên gia tham gia giảng dạy tại trường và tuyển dụng ngay sinh viên từ mô hình vào làm việc chính thức tại doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp.
Doanh nghiệp sở hữu những dây chuyền công nghệ, thiết bị máy móc bắt kịp với yêu cầu của thực tiễn, hơn nữa mỗi doanh nghiệp lại có những công nghệ khác nhau vì vậy muốn đào tạo theo yêu cầu doanh nghiệp thì doanh nghiệp cần đầu tư, tài trợ thiết bị thực hành cho Nhà trường. Hiện nay tại HACTECH, các doanh nghiệp như Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam, RPMEC Automation... đã đầu tư một số thiết bị thực hành cho sinh viên và bước đầu có những kết quả tích cực. Trong thời gian tới, HACTECH hy vọng nhận được thêm tài trợ thiết bị thực hành, phát triển mô hình đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, tạo ra thêm giá trị cho các bên liên quan.
Đại diện các đơn vị đều khẳng định, phát triển quan hệ hợp tác với các cơ sở đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là lĩnh vực rất được quan tâm. Đẩy mạnh xây dựng mô hình hợp tác giữa Nhà trường và doanh nghiệp, là cách tạo ra môi trường học tập và làm việc giữa sinh viên và doanh nghiệp, thúc đẩy sự giao lưu, học hỏi và sáng tạo để sinh viên có cơ hội tiếp xúc với thực tế hoạt động tại doanh nghiệp. Không chỉ là định hướng mà là quy luật tất yếu trong công tác đào tạo nghề trong thời gian tới.
Sau phần trình bày của đại diện các đơn vị, chương trình chuyển sang phần lễ ký kết thỏa thuận hợp tác.
Phần lễ ký kết đầu tiên giữa 4 bên: Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề và kỹ thuật Tế Nam, Viện nghiên cứu giáo dục nghề quốc tế Mặc Tử (Hồng Kông) và Công ty Luxshare ICT.
Ký kết thỏa thuận hợp tác 4 bên
Phần lễ ký kết thứ 2 giữa 3 bên Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội, Công ty cổ phần tư vấn đầu tư GTV và Công ty Hải Chi Thần. Ba bên thỏa thuận hợp tác trên cơ sở bình đẳng, cùng thúc đẩy việc đào tạo gắn với nhu cầu nhân lực, học tập và thực hành, giới thiệu các cơ hội việc làm đến học viên/ người lao động, kết nối học viên/ người lao động với các doanh nghiệp, từ đó giải quyết tình trạng khó tuyển sinh, ra trường không có việc làm, đồng thời đáp ứng nhu cầu về lực lượng lao động của các doanh nghiệp.
Đại diện Tổng cục giáo dục nghề nghiệp ủng hộ sự hợp tác giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Ký kết thỏa thuận 3 bên
TS. Nguyễn Khắc Kiểm tặng quà lưu niệm các đối tác
Ông Tô Húc Dũng tặng cờ và quà lưu niệm TS. Nguyễn Khắc Kiểm
Các bên chụp ảnh lưu niệm và chính thức mở ra quan hệ hợp tác trong thời gian tới