Trường CĐN BKHN đã triển khai học online từ ngày 4/5. Dưới đây là những ý kiến của giảng viên, sinh viên Trường sau hơn một tuần triển khai các lớp học online.
Lớp học online đáp ứng kịp thời nguyện vọng “được học” của sinh viên
Buộc phải tạm ngừng đến Trường học do Covid, phần lớn sinh CĐN BKHN đều có tâm lý chung là nhớ trường lớp và mong ngóng đến ngày đi học trở lại. Tuy nhiên, trước bối cảnh dịch bùng phát phức tạp với chủng mới lây lan nhanh, việc học trực tuyến đã đáp ứng được nguyện vọng của sinh viên, giảm bớt phần lo lắng cho phụ huynh và gia đình.
Là một sinh viên năm thứ 2 nghề Kế toán, đặc thù nghề học liên quan nhiều chứng từ, sổ sách…nhưng sau một tuần học online, Nguyễn Thị Phương Lan, lớp KTDN - K11 cho biết: “Ngoài việc mạng thỉnh thoảng chập chờn, thì việc học online rất hiệu quả, lớp học không bị ồn. Lớp em tham gia đủ cả 46/46 bạn. Các bạn còn hăng hái phát biểu hơn học trên lớp cũ. Nếu có vấn đề gì chưa hiểu, cũng có thể hỏi cô kỹ hơn. Các cô rất nhiệt tình giảng giải cho tụi em”.
Một giờ học trực tuyến của lớp Kế toán doanh nghiệp khóa 11
Trong những ngày hè oi ả, nền nhiệt ngoài trời lên đến trên 40 độ thì “được học online” là “cứu cánh” cho Đoàn Thị Nhung, lớp TKĐH 3 - K11. “Nhà em ở xa, đi học trời nắng mà lại Covid thế này thì cũng ngại lắm. Giờ được ở nhà học online, em vẫn tiếp thu được kiến thức, được gặp gỡ thầy/cô và các bạn. Các thầy cô dạy đều dễ hiểu, không khí lớp học nghiêm túc nhưng cũng vui vẻ.”
Ở học tuần đầu tiên, lớp Cơ điện tử CLC khoá 11 đôi lúc gặp phải tình trạng “chất lượng hình ảnh/video bị lỗi do đường truyền. Có buổi đang học thì mất mạng khiến cả lớp bị out, phải vào lại từ đầu. Nhưng với tinh thần học tập mùa dịch, thầy trò cùng vượt khó, cả Thầy và trò cùng động viên nhau khắc phục để học tốt hơn”, sinh viên Nguyễn Thúy Ngần chia sẻ.
Thầy cô làm chủ phương pháp giảng dạy trực tuyến
Với đặc thù của một trường đào tạo nghề, ở chương trình đào tạo hệ cao đẳng, giảng viên đóng vai trò trọng tâm, không chỉ truyền thụ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm mà thầy cô giáo còn trực tiếp quan sát, hướng dẫn sinh viên thực hiện. Việc thay đổi phương thức giảng dạy ít nhiều đã ảnh hưởng đến phong thái giảng dạy của giáo viên. Từ chỗ là những người thầy thường xuyên di chuyển, tương tác, hướng dẫn sinh viên trên giảng đường hoặc trực tiếp ngay tại xưởng thực hành cầm tay chỉ việc ...thì nay các giảng viên không đơn thuần chỉ sử dụng các phương tiện media như công cụ hỗ trợ mà còn phải điều chỉnh giáo án, biên soạn bài giảng trực tuyến trực quan, sinh động để sinh viên dễ tiếp thu và ghi nhớ.
Theo Ths. Nguyễn Đình Sỹ, giảng viên khoa Điện và BDCN: “Khi giảng dạy trực tuyến, hiệu quả bài học phụ thuộc vào những giờ tương tác với học trò qua màn hình trong nhiều tiết học liên tục, các giảng viên cần đầu tư nhiều thời gian chuẩn bị bài giảng, thay đổi các thói quen để có thể lôi cuốn sinh viên vào bài học, tích cực tham gia phát biểu xây dựng bài và nắm chắc kiến thức. Do vậy, bản thân các thầy cô cũng phải linh hoạt, không ngừng học hỏi và điều chỉnh phương pháp, làm chủ các kỹ năng, phương tiện media kết hợp trong bài giảng để thu hút sự chú ý của sinh viên.”
Ths. Nguyễn Đình Sỹ tận tình hướng dẫn sinh viên trong một giờ thực hành trên lớp
Ths. Vũ Huyền Ly - khoa Điện và BDCN cho biết: “tinh thần tham gia lớp học của sinh viên cũng khá cao, các bạn tham gia lớp khá đầy đủ. Bên cạnh những sinh viên chịu khó tương tác với giáo viên thì vẫn có trường hợp là chỉ tham gia lớp học còn gọi đến tên thì không thấy đâu. Thêm một cái khó là sinh viên về từ đợt nghỉ lễ nên cũng không kịp mang sách vở về, thầy/ cô lại phải nhắc nhở, chuẩn bị tài liệu. Nghỉ dịch hơn 3 tuần, nhiều bạn cũng quên kiến thức cũ nên thầy cô cũng cần thời gian củng cố lại.”
Ths. Vũ Quỳnh Anh – giảng viên khoa Kinh tế - Quản lý cho biết: “Sinh viên khoa kinh tế quản lý rất hào hứng tham gia học online. Các bạn tham gia lớp học đầy đủ, tương tác với giáo viên tốt. Điều mong mỏi và quan tâm của sinh viên là có thể sớm hoàn thành chương trình học, đi thực tập và tốt nghiệp. Thấy sinh viên tích cực như vậy, bản thân các thầy cô cũng thấy vui và cố gắng chuẩn bị giờ học hấp dẫn hơn nữa.”
Là một giảng viên công tác tại khoa Điện tử - Viễn thông, trường ĐH BKHN, đã tham gia giảng dạy trực tuyến cho các sinh viên đại học từ năm 2020, Ths. Nguyễn Minh Đức - Phó chủ nhiệm khoa Điện tử - Viễn thông chia sẻ: “ Ở tuần đầu, hiệu quả giảng dạy đạt khoảng 60 - 70%. Sinh viên hứng thú tham gia đầy đủ, nhưng có thể do lần đầu tiên học online nên nhiều bạn có khi còn chưa tập trung. Sinh viên cần tập trung hơn, bên cạnh việc tham gia đầy đủ thì cần tích cực tham gia xây dựng bài.”
Cùng chung quan điểm về việc sinh viên cần phát huy tinh thần tự giác, tích cực tham gia giờ học trực tuyến, giảng viên Phạm Thị Huệ, khoa Điện tử - Viễn thông cho biết: “Các bạn sinh viên cũng như các thầy cô mới làm quen với cách dạy online nên cũng sẽ có hạn chế, dần dần rồi cũng sẽ tốt lên. Bên cạnh đó, các thầy cô cũng ghi lại buổi học, đôi khi cũng gặp trục trặc do mạng, nhưng khắc phục được lỗi này sẽ giúp sinh viên ôn lại bài khi cần.”
Mặc dù việc giảng dạy trực tuyến vẫn còn những bất cập nhưng được sự động viên của Ban giám hiệu nhà trường, ban chủ nhiệm các khoa, đội ngũ giảng viên của Trường thường xuyên trao đổi, tìm ra phương pháp để nâng cao chất lượng giờ học. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ giảng viên trẻ các khoa cũng phát huy tinh thần sáng tạo, cập nhật xu hướng, sẵn sàng hỗ trợ đồng nghiệp để triển khai bài học và giờ giảng một cách hiệu quả. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, để đảm bảo hiệu quả của việc học tập trực tuyến, đòi hỏi sự nỗ lực cùng thực hiện của thầy và trò.
Phạm Thủy