Sau khi giành huy chương bạc tại kỳ thi Tay nghề thế giới 2019, Trương Thế Diệu tiếp tục đào tạo lớp sinh viên kế cận chinh phục đỉnh cao trong nghề phay CNC
Trương Thế Diệu (SN 1997) hiện là giáo viên của Viện Đào tạo kỹ năng nghề - Công ty TNHH DENSO Việt Nam. Trước đó, Diệu là sinh viên (SV) nghề cắt gọt kim loại khóa 7 (nay là nghề công nghệ chế tạo máy) của Trường Cao đẳng (CĐ) nghề Bách khoa Hà Nội - HACTECH, đơn vị thành viên thuộc Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội.
Chọn lối đi riêng
Sinh ra tại đất học huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An - nơi thường trọng làm thầy, ít người chọn học nghề làm thợ, song chàng trai trẻ chọn học nghề vì nhận thấy phù hợp với năng lực bản thân và không cố chạy theo vào ĐH vì những ngành học không phù hợp, không yêu thích.
Trương Thế Diệu làm bài thi trên máy tính tại kỳ thi Tay nghề thế giới 2019
"Khi đang học lớp 11, em thấy môn công nghệ có nội dung tưởng tượng vật thể 3D và hình chiếu, học rất dễ tiếp thu và biết đó chính là điểm mạnh của bản thân. Đến năm lớp 12, em tìm hiểu ngành cắt gọt kim loại tại HACTECH và đăng ký học. Em đã từ chối một số cơ hội vào trường ĐH tốp trung bình khá để theo đuổi đam mê học nghề" - Diệu cho biết.
Trong thời gian học tại HACTECH, Diệu được trau dồi các môn học về cơ khí, thực hành trên các máy phay - tiện CNC hiện đại và được thầy cô chỉ dạy tận tình. Diệu cho rằng để sử dụng được máy móc ngành phay - tiện hiện đại thì phải có thời gian làm quen. Năm đầu tiên, Diệu học những kỹ năng sử dụng máy gia công, máy tính lập trình, sử dụng thước đo và học cùng lúc ngay trong học kỳ II. Sang năm thứ hai, với vai trò là đối tác của nhà trường, Công ty TNHH DENSO Việt Nam đã đến tuyển chọn SV để huấn luyện tham gia kỳ thi Tay nghề thế giới. Vượt qua hàng trăm SV, Diệu cùng một số SV khác được chọn vào vòng sơ tuyển.
Tại vòng sơ tuyển có hơn 100 thí sinh đến từ các trường ĐH, CĐ phía Bắc tranh tài. Trải qua các phần thi làm toán nhanh, kiểm tra IQ, lý thuyết và 10 người có thành tích cao nhất được chọn đào tạo trong 3 ngày, sau đó chọn 4 người xuất sắc nhất, trong đó có Diệu để đào tạo trong 3 năm, cùng những chuyến huấn luyện tại Nhật Bản và Nga. Diệu trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam đi thi nghề phay CNC trên đấu trường quốc tế năm 2019, được tổ chức tại TP Kazan - Nga.
Diệu cho biết quá trình tập luyện khá căng thẳng, hằng ngày đều bắt đầu từ 8 giờ đến 20 giờ, từ thứ hai đến thứ bảy, áp lực về thời gian và độ chính xác cao. Song nhờ sự hướng dẫn tận tình của đội ngũ chuyên gia, Diệu dần chinh phục được các bài tập và có sự chuẩn bị tốt trước kỳ thi.
Tin vào bản thân
Kỳ thi Tay nghề thế giới 2019, nghề phay CNC có đại diện của 31 quốc gia tranh tài. Trước ngày lên đường đi thi, Diệu đã nhận được sự động viên rất lớn của gia đình, bạn bè và nhà trường để quyết tâm mang vinh quang về cho đất nước.
Bài thi khiến Diệu thấy gian nan nhất là module 1 diễn ra vào ngày thi đầu tiên. Đề bài ra là một bản vẽ cùng khối lập phương đặc bằng nhôm, kích thước 95x95x45 mm. Tiến hành lập trình bản vẽ trên máy tính Diệu gặp lỗi phần mềm mà chưa từng gặp phải. "Bài thi đầu tiên rất khó vì chi tiết quá nhỏ khó gia công. Bên cạnh đó, còn gặp lỗi phần mềm, phải nhờ chuyên gia sửa chữa nên mất khá nhiều thời gian. Sự gián đoạn mất 15 phút làm sai đi chiến thuật nên em hơi hoảng" - Diệu nhớ lại.
Môn thi nghề phay CNC có tổng thời gian làm bài là 18 giờ, trong đó có nội dung kéo dài 7 giờ, thí sinh lần lượt trải qua 3 nội dung, mỗi nội dung gồm phần lập trình trên máy tính sau đó gia công trên máy CNC với vật liệu nhôm hoặc thép. Kết thúc 3 nội dung thi, Trương Thế Diệu xuất sắc giành 725 điểm, kém người dẫn đầu 4 điểm và giành huy chương bạc.
Hiện công việc chủ yếu của Diệu là tuyển chọn và đào tạo SV các trường ĐH, CĐ tham dự kỳ thi Tay nghề thế giới nghề phay CNC. Ngoài ra, chàng trai trẻ này còn thường xuyên về HACTECH để hỗ trợ thầy cô chia sẻ kinh nghiệm, đào tạo, phát hiện tài năng của SV.
"Tay nghề của lao động Việt Nam không hề thua kém các nước phát triển trên thế giới. Song do trang thiết bị thực hành của chúng ta yếu hơn các nước phát triển, người lao động không có điều kiện thực hành, làm việc nhiều. Nếu được đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại, số hóa thì tay nghề lao động Việt Nam còn vươn xa hơn nữa" - Diệu đánh giá.
Bên cạnh đó, Diệu còn thường xuyên tham gia các chương trình tư vấn tuyển sinh tại các trường THPT ở quê để nói về học nghề và giúp học sinh có góc nhìn khác về giáo dục nghề nghiệp, chọn đam mê hay chỉ chọn vào ĐH bằng mọi giá. Diệu cũng nhắn nhủ tới các SV đang theo học nghề rằng cần chăm chỉ luyện tập, không ngừng đổi mới và luôn tin vào bản thân, sử dụng những gì được học và cố gắng từng ngày ắt sẽ thành công.
Niềm tự hào của quốc gia
Phó Hiệu trưởng HACTECH Nguyễn Ngọc Long cho biết huy chương bạc của Diệu không chỉ đem lại niềm tự hào cho nhà trường mà cho cả quốc gia, vì đây là thành tích cao nhất của đoàn Việt Nam sau 7 kỳ tham dự tay nghề thế giới. Diệu là minh chứng cho thấy việc lựa chọn học nghề phù hợp với năng lực và đam mê sẽ đem lại thành công, không nhất thiết phải vào ĐH.
Trương Thế Diệu được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng nhì năm 2019 và trở thành một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quốc năm 2019 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh bình chọn và là Đại sứ Kỹ năng nghề Việt Nam năm 2021.
Theo Báo Người lao động
Link bài gốc: https://nld.com.vn/nang-buoc-nguoi-lao-dong-nguoi-tho-gioi-thoi-so-hoa-196240527205520043.htm