Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề Công nghệ chế tạo máy (Cắt gọt kim loại cũ), Trường Cao đẳng nghề Bách khoa đã không ngừng trang bị, nâng cấp phòng thực hành hiện đại, trong đó mới đây Nhà trường đã trang bị máy Phay CNC MACO T-7 hiện đại để sinh viên học thực hành.
Những năm gần đây, nghề Công nghệ chế tạo máy đang dần “lên ngôi” trên thị trường lao động, bởi nghề này tạo ra hầu hết máy móc, thiết bị phục vụ cho nền kinh tế xã hội của đất nước. Hiện tại, phòng thực hành nghề Công nghệ chế tạo máy của Nhà trường có 3 máy Phay CNC là máy MACO T-7, TMV – 850QII, VMC 550L đều có giá trị hàng tỷ đồng/máy. Ngoài ra còn có máy tiện CK6240ZX hiện đại đang được dùng trong đào tạo thực hành cho sinh viên nghề Công nghệ chế tạo máy và nghề Cơ điện tử. Phòng thực hành nghề Công nghệ Chế tạo máy là phòng thực hành hiện đại và có giá trị về tài sản cao hàng đầu trong các phòng thực hành tại HACTECH.
Giảng viên Nguyễn Văn Thái đang hướng dẫn sinh viên vận hành máy Phay CNC
Trước đây, nghề Công nghệ chế tạo máy có tên là Cắt gọt kim loại, đây là một nghề rất quan trọng đối với nền công nghiệp của đất nước. Chế tạo máy là nghề sử dụng các loại máy công cụ có tạo phoi như: Tiện, phay, bào, mài, doa… để chế tạo các chi tiết đúng yêu cầu kỹ thuật, đạt độ chính xác gia công cao, năng suất và an toàn…
Sinh viên thiết kế mẫu trên máy tính
Ngày nay với sự phát triển vượt bậc của kỹ thuật điện tử, kỹ thuật điều khiển và công nghệ thông tin, các thành tựu khoa học trên được ứng dụng vào việc nâng cấp máy công cụ truyền thống thành các máy CNC hiện đại.
Máy CNC hiện đại được trang bị tại phòng thực hành nghề Công nghệ chế tạo máy
Các máy CNC có khả năng gia công chi tiết cho độ chính xác cao, quá trình gia công trên máy thực hiện hoàn toàn tự động nhờ chương trình NC. Với sự ra đời của máy CNC và sự phát triển các kỹ thuật CAD/CAM đã giúp các hệ thống sản xuất tự động linh hoạt và làm nền tảng cho tự động hóa. Đồng thời, CNC giúp thiết kế và gia công trong công nghệ cơ khí đạt hiệu quả cao. Các lĩnh vực trên cùng công nghệ hiện đại nhất đang được giảng dạy cho sinh viên nghề Chế tạo máy và nghề Cơ điện tử của Khoa Cơ khí, Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội.
ThS. Nguyễn Thành Quyết hướng dẫn sinh viên thiết kế trên máy tính
Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội là cơ sở đào tạo nghề Công nghệ chế tạo máy uy tín hàng đầu cả nước và là trường cao đẳng duy nhất trực thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội – ngôi trường đào tạo về khối ngành kỹ thuật, cơ khí, điện...hàng đầu cả nước và khu vực.
Nhiều sinh viên của HACTECH đã nổi danh bởi nghề Công nghệ Chế tạo máy. Cụ thể đã có một số sinh viên của Nhà trường đạt giải cao trong Kỳ thi Tay nghề thế giới, điển hình là sinh viên Trương Thế Diệu đã giành giải Bạc Kỳ thi Tay nghề thế giới 2019 nghề Phay CNC tổ chức tại TP. Kazan, Liên bang Nga. Hiện, Trương Thế Diệu đang làm kỹ thuật viên cao cấp tại DENSO Việt Nam. Và mới đây nhất, sinh viên Trịnh Thế Hưng, lớp CGKL K13 đã trúng tuyển vào Đội tuyển thi Tay nghề thế giới 2024 sẽ được tổ chức ở Lyon, Pháp về nghề Phay CNC và Tiện CNC.
Cựu sinh viên Trương Thế Diệu thao tác bài thi trên máy CNC trong Kỳ thi tay nghề thế giới 2019
Không khí học tập sôi nổi của sinh viên nghề Công nghệ chế tạo máy
Sinh viên tốt nghiệp nghề Công nghệ Chế tạo máy có cơ hội việc làm vô cùng rộng rãi với mức thu nhập cao. Vị trí việc làm phổ biến của sinh viên sau khi ra trường là làm kỹ sư thực hành vận hành dây chuyền công nghệ và thiết bị Cơ khí, tại các doanh nghiệp cơ khí, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Cựu sinh viên Trương Thế Diệu cùng DENSO về HACTECH tuyển ứng viên tham dự Kỳ thi tay nghề giới 2024 tại Lyon, Pháp
Sinh viên được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng để thực hiện thiết kế quy trình công nghệ gia công chi tiết theo yêu cầu, gia công chi tiết cơ khí, lắp ráp các sản phẩm cơ khí, lập trình, vận hành, giám sát khi gia công trên các máy tiện CNC, Phay CNC, máy xung, bảo trì và nâng cấp các máy công cụ.
Hiện tại, nghề Công nghệ Chế tạo máy của HACTECH đã triển khai hợp tác đào tạo cùng một sống doanh nghiệp lớn như Hanwah, Samsung, Sony, Canon, DENSO Việt Nam, Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam... hằng năm có hàng trăm sinh viên của HACTECH tham gia các chương trình thực tập sinh tại các doanh nghiệp này và không ít sinh viên được giữ lại làm việc với mức thu nhập hấp dẫn.
Để biết thêm thông tin chi tiết về nghề Công nghệ Chế tạo máy, mời xem thêm tại đây: https://drive.google.com/file/d/171DanENPPdcAB1wpe9Yz9i3hzhN16_YU/view