Ngày 10/3, Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội đã chính thức phát động cuộc thi “Bồi dưỡng và nâng cấp bài giảng trực tuyến CĐN BKHN năm 2022”.
Cuộc thi được tổ chức với mục tiêu nhằm thúc đẩy phong trào đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực, hiện đại, khai thác thế mạnh của hình thức giảng dạy trực tuyến thông qua nền tảng công nghệ số, truyền thông đa phương tiện; tạo điều kiện để giảng viên đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng Công nghệ thông tin vào thiết kế, tổ chức, quản lý dạy học trực tuyến. Bên cạnh đó, những bài giảng chất lượng từ cuộc thi sẽ giúp tạo thành “thư viện số” bài giảng trực tuyến sử dụng trong toàn trường.
PGS.TS Phạm Văn Bình Trưởng ban tổ chức cuộc thi phổ biến về cuộc thi Bồi dưỡng và nâng cấp bài giảng trực tuyến năm 2022
Tại buổi phát động cuộc thi, PGS.TS Phạm Văn Bình – Trưởng Ban Khoa học và Công nghệ, Trưởng ban tổ chức cuộc thi cho biết: “Trong 3 năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, không thể triển khai giảng dạy trực tiếp, bắt buộc phải chuyển sang hình thức trực tuyến. Với đặc thù của một trường cao đẳng đào tạo nghề, giảng viên nhà trường đã nhanh chóng, chủ động bắt nhịp và làm chủ phương pháp dạy học online, đáp ứng yêu cầu đào tạo. Nhiều giảng viên đã và đang có những cải tiến, phương pháp tiếp cận sáng tạo, linh hoạt, hấp dẫn sinh viên. Qua đánh giá sơ bộ mỗi năm, nhà trường đã ghi nhận nhiều bài giảng chất lượng cao, có thể áp dụng kết hợp cả trực tiếp và trực tuyến trong điều kiện bình thường mới.”
PGS.TS Phạm Văn Bình chia sẻ: “Cuộc thi vừa là sân chơi vừa là lớp học cho các thầy cô giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, giúp tất cả các thầy cô nâng cao chất lượng bài giảng của mình”. Trưởng Trưởng Ban Khoa học và Công nghệ cũng bày tỏ tin tưởng cuộc thi sẽ nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ các giảng viên giảng dạy tại Trường.
Thạc sỹ Trần Trọng Dương, giảng viên Cơ điện tử, khoa Cơ khí cho biết: “Cuộc thi bài giảng trực tuyến năm 2022 là cơ hội cho các giảng viên toàn trường tăng cường giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa giáo viên các tổ chuyên môn trong việc thiết kế bài giảng điện tử. Đây cũng là động lực thúc đẩy cán bộ giảng viên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; đẩy mạnh phong trào ứng dụng CNTT trong đổi mới phương pháp dạy học một cách sáng tạo, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid 19 còn tác động mạnh đến nhiều mặt của đời sống xã hội nói chung và công tác giáo dục nghề nghiệp nói riêng.”
Ths. Ninh Thu Hà tham gia hội giảng cấp trường năm 2020
Là một giảng viên trẻ, nhiệt tình, giàu kinh nghiệm, đã khá quen thuộc với những giờ dạy online, Thạc sỹ Ninh Thu Hà, giảng viên tiếng Anh, khoa Cơ bản đánh giá cao tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ 4.0, giúp nâng cao chất lượng bài giảng, thu hút sinh viên tham gia bài học, đảm bảo hiệu quả môn học. Cô chia sẻ: “Đây là một cuộc thi có ý nghĩa thiết thực đối với cán bộ giảng viên Trường, không chỉ giúp giáo viên trau dồi, “làm giàu” thêm kiến thức chuyên môn mà cả những kỹ thuật công nghệ thông tin mới nhất”. Để chuẩn bị cho cuộc thi, cô Hà đang hoàn thiện một số bài giảng của mình, học hỏi và áp dụng các kỹ thuật công nghệ từ các đồng nghiệp khoa CNTT, đồng thời tham khảo những ý phản hồi của sinh viên trong quá trình giảng dạy giúp bài giảng sinh động, hấp dẫn hơn.
Theo kế hoạch, cuộc thi sẽ diễn ra 2 vòng từ ngày 20.2.2022 đến ngày 20.7.2022 với cơ cấu giải thưởng hấp dẫn. Ban tổ chức đã chia phân ban tương ứng với 6 Khoa: Cơ bản; Cơ khí, Công nghệ thông tin; Điện và BDCN, Điện tử - Viễn thông; Kinh tế - Quản lý. Các bài giảng sẽ được đánh giá dựa trên 4 tiêu chí: 1, Nội dung và công nghệ; 2, Phương pháp tương tác và đánh giá; 3, Hình thức, bố cục khoa học; 4, Hiệu quả đáp ứng mục tiêu. Các thành viên Ban giám khảo quy tụ những chuyên gia, giảng viên uy tín hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục, công nghệ.
Phạm Thủy – Nguyễn Công